Luật số 50/2010/QH12 của Quốc hội: LUẬT SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG TIẾT KIỆM VÀ HIỆU QUẢ
QUỐC HỘI Luật số: 50/2010/QH12 |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc _____________________ |
LUẬT
SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG TIẾT KIỆM VÀ HIỆU QUẢ
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;
Quốc hội ban hành Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
CHƯƠNG I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Luật này quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; chính sách, biện pháp thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Luật này áp dụng đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng năng lượng tại Việt Nam.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Năng lượng bao gồm nhiên liệu, điện năng, nhiệt năng thu được trực tiếp hoặc thông qua chế biến từ các nguồn tài nguyên năng lượng không tái tạo và tái tạo.
2. Tài nguyên năng lượng không tái tạo gồm than đá, khí than, dầu mỏ, khí thiên nhiên, quặng urani và các tài nguyên năng lượng khác không có khả năng tái tạo.
3. Tài nguyên năng lượng tái tạo gồm sức nước, sức gió, ánh sáng mặt trời, địa nhiệt, nhiên liệu sinh học và các tài nguyên năng lượng khác có khả năng tái tạo.
4. Nhiên liệu là các dạng vật chất được sử dụng trực tiếp hoặc qua chế biến để làm chất đốt.
5. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là việc áp dụng các biện pháp quản lý và kỹ thuật nhằm giảm tổn thất, giảm mức tiêu thụ năng lượng của phương tiện, thiết bị mà vẫn bảo đảm nhu cầu, mục tiêu đặt ra đối với quá trình sản xuất và đời sống.
6. Kiểm toán năng lượng là hoạt động đo lường, phân tích, tính toán, đánh giá để xác định mức tiêu thụ năng lượng, tiềm năng tiết kiệm năng lượng và đề xuất giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với cơ sở sử dụng năng lượng.
7. Nhãn năng lượng là nhãn cung cấp thông tin về loại năng lượng sử dụng, mức tiêu thụ năng lượng, hiệu suất năng lượng và các thông tin khác giúp người tiêu dùng nhận biết và lựa chọn phương tiện, thiết bị tiết kiệm năng lượng.
8. Dán nhãn năng lượng là việc dán, gắn, in, khắc nhãn năng lượng lên sản phẩm, bao bì.
9. Hiệu suất năng lượng là chỉ số biểu thị khả năng của phương tiện, thiết bị chuyển hoá năng lượng sử dụng thành năng lượng hữu ích.
10. Mức hiệu suất năng lượng tối thiểu là mức hiệu suất năng lượng thấp nhất do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định đối với phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng mà dưới mức đó, thiết bị sẽ chịu sự quản lý đặc biệt.
11. Sản phẩm tiết kiệm năng lượng là phương tiện, thiết bị có hiệu suất năng lượng cao, vật liệu có tính cách nhiệt tốt phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.
Điều 4. Nguyên tắc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
1. Phù hợp với chiến lược, quy hoạch tổng thể về năng lượng, chính sách an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường.
2. Được thực hiện thường xuyên, thống nhất từ quản lý, khai thác tài nguyên năng lượng đến khâu sử dụng cuối cùng.
3. Là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và toàn xã hội.
Điều 5. Chính sách của Nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
1. Áp dụng thực hiện biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả phục vụ phát triển kinh tế - xã hội là một trong những ưu tiên hàng đầu.
2. Hỗ trợ tài chính, giá năng lượng và các chính sách ưu đãi cần thiết khác để thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
3. Tăng đầu tư, áp dụng đa dạng hình thức huy động các nguồn lực để đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ tiên tiến sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; phát triển năng lượng tái tạo phù hợp với tiềm năng, điều kiện của Việt Nam góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường.
4. Khuyến khích sử dụng phương tiện, thiết bị tiết kiệm năng lượng; thực hiện lộ trình áp dụng nhãn năng lượng; từng bước loại bỏ phương tiện, thiết bị có công nghệ lạc hậu, hiệu suất năng lượng thấp.
5. Khuyến khích phát triển dịch vụ tư vấn; đầu tư hợp lý cho công tác tuyên truyền, giáo dục, hỗ trợ tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Điều 6. Chiến lược, quy hoạch, chương trình sử dụng năng lượng
1. Chiến lược, quy hoạch, chương trình sử dụng năng lượng phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
a) Cung cấp năng lượng ổn định, an toàn; sử dụng hợp lý, tiết kiệm nguồn tài nguyên năng lượng;
b) Dự báo cung, cầu năng lượng phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; kết hợp hài hòa, cân đối giữa các quy hoạch ngành than, dầu khí, điện lực và các quy hoạch năng lượng khác;
c) Thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, ưu tiên phát triển hợp lý công nghệ năng lượng sạch, nâng cao tỷ trọng sử dụng năng lượng tái tạo;
d) Xây dựng và thực hiện lộ trình chế tạo phương tiện, thiết bị, vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng.
2. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo việc xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, chương trình sử dụng năng lượng.
Điều 7. Thống kê về sử dụng năng lượng
Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về thống kê trình Chính phủ ban hành các chỉ tiêu thống kê về sử dụng năng lượng trong hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia theo quy định của Luật này và pháp luật về thống kê.
Điều 8. Các hành vi bị cấm
1. Hủy hoại nguồn tài nguyên năng lượng quốc gia.
2. Giả mạo, gian dối để được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước trong hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
3. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong quản lý sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vì mục đích vụ lợi.
4. Cố ý cung cấp thông tin không trung thực về hiệu suất năng lượng của phương tiện, thiết bị trong hoạt động dán nhãn năng lượng, kiểm định, quảng cáo và các hoạt động khác gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.
5. Sản xuất, nhập khẩu, lưu thông phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng thuộc Danh mục phương tiện, thiết bị phải loại bỏ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.
CHƯƠNG II
SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG TIẾT KIỆM VÀ HIỆU QUẢ
TRONG SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP
Điều 9. Trách nhiệm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của cơ sở sản xuất công nghiệp
1. Cơ sở sản xuất công nghiệp gồm cơ sở sản xuất, chế biến, gia công sản phẩm hàng hoá; cơ sở chế tạo, sửa chữa phương tiện, thiết bị; cơ sở khai thác mỏ; cơ sở sản xuất, cung cấp năng lượng.
2. Cơ sở sản xuất công nghiệp có trách nhiệm:
a) Xây dựng, thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hằng năm; lồng ghép chương trình quản lý năng lượng với các chương trình quản lý chất lượng, chương trình sản xuất sạch hơn, chương trình bảo vệ môi trường của cơ sở;
b) Áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức về sử dụng năng lượng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định; lựa chọn áp dụng quy trình và mô hình quản lý sản xuất tiên tiến, biện pháp công nghệ phù hợp và thiết bị công nghệ có hiệu suất năng lượng cao; sử dụng các dạng năng lượng thay thế có hiệu quả cao hơn trong dây chuyền sản xuất;
c) Áp dụng biện pháp kỹ thuật, kiến trúc nhà xưởng nhằm sử dụng tối đa hiệu quả hệ thống chiếu sáng, thông gió, làm mát; sử dụng tối đa ánh sáng, thông gió tự nhiên;
d) Thực hiện quy trình vận hành, chế độ duy tu, bảo dưỡng phương tiện, thiết bị trong dây chuyền sản xuất để chống tổn thất năng lượng;
đ) Loại bỏ dần phương tiện, thiết bị có công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
3. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan ban hành quy chuẩn kỹ thuật, định mức sử dụng năng lượng áp dụng trong từng ngành sản xuất công nghiệp.
Điều 10. Biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong cơ sở sản xuất, chế biến, gia công sản phẩm hàng hoá
Cơ sở sản xuất, chế biến, gia công sản phẩm hàng hoá căn cứ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức về sử dụng năng lượng để lựa chọn, áp dụng biện pháp công nghệ và quản lý sau đây:
1. Đầu tư hiện đại hóa dây chuyền sản xuất, chế biến, gia công sản phẩm hàng hóa; thay thế thiết bị có công nghệ lạc hậu, hiệu suất năng lượng thấp để tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường;
2. Cải tiến, hợp lý hoá các quá trình:
a) Đốt nhiên liệu trong lò hơi, lò luyện, lò nung, lò sấy;
b) Trao đổi nhiệt trong thiết bị gia nhiệt, làm lạnh;
c) Chuyển hóa nhiệt năng thành điện năng, điện năng thành nhiệt năng, cơ năng và các dạng chuyển hóa năng lượng khác;
3. Tận dụng nhiệt thừa của lò hơi, lò luyện, lò nung, hơi nước thải nóng cho mục đích sản xuất và đời sống;
4. Áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm giảm tổn hao năng lượng trong hệ thống cung cấp điện và cung cấp nhiệt;
5. Sử dụng động cơ điện, lò hơi, máy bơm có hiệu suất cao, thiết bị biến tần, thiết bị điều chỉnh tốc độ động cơ cho công trình xây lắp mới hoặc thay thế, sửa chữa;
6. Áp dụng công nghệ đồng phát nhiệt điện đối với cơ sở chế biến, gia công, sản xuất sản phẩm hàng hoá có tiềm năng phát triển phụ tải điện và nhiệt.
Điều 11. Biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong cơ sở chế tạo, sửa chữa phương tiện, thiết bị
Cơ sở chế tạo, sửa chữa phương tiện, thiết bị căn cứ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức về sử dụng năng lượng để lựa chọn, áp dụng biện pháp công nghệ và quản lý sau đây:
1. Xây dựng và thực hiện kế hoạch thay thế thiết bị công nghệ lạc hậu; đầu tư lắp đặt máy công cụ thế hệ mới có công nghệ hiện đại, tự động hoá cao;
2. Áp dụng biện pháp công nghệ nung, luyện vật liệu, tạo phôi, rèn, dập, phay, tiện, gia công sản phẩm đã được kiểm chứng trong thực tế là tiết kiệm và có hiệu quả cao về sử dụng năng lượng;
3. Lắp đặt bộ biến tần, thiết bị điều chỉnh tốc độ động cơ điện theo nhu cầu công suất cho cầu trục, thiết bị nâng hạ và vận chuyển trong nhà xưởng; bố trí dây chuyền sản xuất hợp lý nhằm tiết kiệm năng lượng.
Điều 12. Biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong cơ sở khai thác mỏ
Cơ sở khai thác mỏ căn cứ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức về sử dụng năng lượng để lựa chọn, áp dụng biện pháp công nghệ và quản lý sau đây:
1. Áp dụng quy trình khai thác hợp lý để giảm tiêu thụ nhiên liệu, điện, nước cung cấp cho phương tiện, thiết bị trong khai thác;
2. Lựa chọn phương tiện, thiết bị phù hợp với điều kiện khai trường của mỏ để nâng cao năng suất khai thác, đồng thời tiết kiệm năng lượng;
3. Áp dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng trong sàng, tuyển, chế biến, vận chuyển khoáng sản;
4. Thiết kế, lắp đặt hợp lý hệ thống thông gió trong mỏ hầm lò bảo đảm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Điều 13. Biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong cơ sở sản xuất, cung cấp năng lượng
1. Cơ sở sản xuất, cung cấp năng lượng căn cứ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức về sử dụng năng lượng áp dụng biện pháp công nghệ và quản lý sau đây:
a) Lựa chọn công nghệ có hiệu suất năng lượng cao; lắp đặt đầy đủ thiết bị đo lường, kiểm tra thông số vận hành; định kỳ tổ chức hiệu chỉnh, bảo trì lò, máy và thiết bị phụ trợ trong nhà máy phát điện để bảo đảm hiệu suất chung của nhà máy đạt hiệu suất thiết kế;
b) Tận dụng nhiệt thải, hơi nước thải có nhiệt độ cao để cung cấp cho quá trình cháy, sấy nhiên liệu, làm nóng nước cấp vào lò nhằm nâng cao hiệu suất phát điện của tổ máy;
c) Cơ sở phát điện phải tuân thủ phương thức huy động của đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia; xây dựng và thực hiện kế hoạch giảm điện tự dùng;
d) Nhà máy thuỷ điện phải tuân thủ đầy đủ quy trình vận hành khai thác hồ chứa hoặc liên hồ chứa, bảo đảm yêu cầu phát điện an toàn, tham gia nhiệm vụ điều tiết cấp nước cho sản xuất và đời sống;
đ) Đơn vị truyền tải, phân phối điện phải xây dựng chương trình, kế hoạch, định mức và lộ trình cụ thể nhằm giảm tổn thất điện năng trong hệ thống truyền tải và phân phối điện;
e) Đơn vị khai thác, cung ứng nhiên liệu phải sử dụng kho chứa, phương tiện vận chuyển an toàn, phù hợp, giảm thất thoát, phòng ngừa gây ô nhiễm môi trường, lãng phí năng lượng;
g) Đơn vị khai thác than, dầu khí phải có phương án tận thu khí đồng hành và tài nguyên năng lượng khác.
2. Không xây dựng mới tổ máy phát điện bằng than, dầu, khí có công nghệ lạc hậu, hiệu suất thấp theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Điều 14. Trách nhiệm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp
Cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp có trách nhiệm lựa chọn, áp dụng biện pháp công nghệ và quản lý để sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả quy định tại các điều 9, 10 và 11 của Luật này phù hợp với quy mô và ngành nghề sản xuất.